Nhiều người thường nghĩ rằng chỉ những doanh nghiệp có nguồn vốn khổng lồ mới có thể đầu tư kinh doanh trên Amazon. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và cá nhân đã bán hàng trên Amazon thành công dù có xuất phát khiêm tốn. Hãy cùng Mega Digital khám phá ngay top 5 cách bán hàng trên Amazon không cần vốn cho người mới bắt đầu!
Mục lục
Top 5 cách bán hàng trên Amazon không cần vốn
Với hàng trăm triệu người dùng trên toàn thế giới, Amazon là một miền đất hứa cho những ai đam mê kinh doanh online. Ngay cả khi không có vốn đầu tư lớn, vẫn có nhiều cách để bắt đầu bán hàng trên nền tảng này. Dưới đây là 5 cách hiệu quả nhất để bán hàng trên Amazon mà không cần vốn.
1. Xuất bản sách trên Kindle
Đối với những cá nhân đam mê viết lách và có mong muốn xuất bản sách của riêng mình thì Amazon Kindle là một sự lựa chọn tuyệt vời. Với Amazon Kindle Direct Publishing (KDP), bạn có thể xuất bản sách điện tử mà không cần vốn đầu tư ban đầu.
Bạn chỉ cần viết và hoàn thiện ấn phẩm, định dạng theo tiêu chuẩn và tải lên Amazon KDP. Mỗi khi sách của bạn được bán, bạn sẽ nhận được tiền nhuận bút từ Amazon. Đây là cách tuyệt vời để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm hoặc câu chuyện của bạn. Với mỗi ấn phẩm bán ra, bạn sẽ được hưởng 70% lợi nhuận.
Ưu điểm: Bạn hoàn toàn không mất chi phí gì khi viết sách để xuất bản trên Kindle. Amazon cho phép các tác giả viết đa dạng thể loại và độ dài nên bạn có thể dễ dàng sáng tạo theo thế mạnh của bản thân và tự cân đối thời gian viết.
Nhược điểm: Việc viết sách đòi hỏi tác giả phải có kỹ năng viết và định dạng sách chuyên nghiệp. Thêm vào đó, thời gian để viết và xuất bản sách có thể kéo dài nên bạn sẽ không nhận được doanh thu trong thời gian ngắn.
2. Dropshipping – Bán hàng online không cần vốn
Dropshipping là hình thức bán hàng online không cần vốn trên Amazon đang được “săn đón” bởi những nhà bán hàng mới. Về cơ bản, với dropshipping, bạn không cần lưu trữ hàng hóa, cũng không cần lo khâu vận chuyển. Khi có đơn hàng, bạn chỉ cần mua hàng từ nhà cung cấp và họ sẽ gửi trực tiếp sản phẩm đến khách hàng, giúp giảm thiểu rủi ro tồn kho.
Nói cách khác, trong mô hình này, bạn đóng vai trò như người trung gian. Bạn thu được lợi nhuận từ sự chênh lệch giữa giá mua sản phẩm từ nhà sản xuất và giá bán ra cho khách hàng.
Ưu điểm: Dropshipping giúp bạn tiết kiệm rất nhiều chi phí. Bạn không cần vốn và không cần lưu trữ hàng hóa, không phải lo về khâu quản lý vận chuyển và có thể dễ dàng bắt đầu với ít rủi ro.
Nhược điểm: Hiện tại, dropship đang là một trong những mô hình kinh doanh cạnh tranh cao nhất trên Amazon. Ngoài ra, lợi nhuận của bạn sẽ phụ thuộc vào giá từ nhà cung cấp và bạn sẽ khó kiểm soát chất lượng sản phẩm và dịch vụ vận chuyển.
3. In theo yêu cầu (POD)
In theo yêu cầu, hay POD (Print on Demand) là mô hình mà người bán thiết kế và kinh doanh các sản phẩm như quần áo thun, cốc, túi xách, phụ kiện hoặc đồ trang trí nhà cửa mà không cần lưu trữ hàng hóa.
Bạn có thể sử dụng các dịch vụ như Amazon Merch hoặc hợp tác với các xưởng in ấn để sản xuất sản phẩm. Với POD, các thiết kế được in kỹ thuật số theo yêu cầu, và bạn có thể đảm bảo chất lượng bản thiết kế trước khi gửi cho xưởng. Mỗi khi có đơn hàng, sản phẩm sẽ được in và gửi trực tiếp đến khách hàng bởi nhà cung cấp, giúp bạn tiết kiệm chi phí và thời gian.
Ưu điểm: Khi lựa chọn bán hàng POD, bạn có toàn quyền linh hoạt và quyết định trong việc thực hiện mẫu thiết kế in ấn. Các sản phẩm sẽ chỉ được in khi bạn có đơn đặt hàng nên khâu quản lý hàng tồn kho và vốn đầu tư trả trước đều được loại bỏ.
Nhược điểm: Các sản phẩm POD thường được mua làm quà lưu niệm nên mang tính mùa vụ rất cao. Việc kinh doanh của bạn có thể bùng nổ trong quý 4 hàng năm nhưng cũng có thể rất ảm đạm trong khoảng thời gian còn lại. Đây sẽ là thử thách lớn với các nhà bán hàng mới.
4. Bán các sản phẩm handmade
Nếu bạn có năng khiếu và tài lẻ trong việc tạo ra các sản phẩm handmade xinh xắn, bạn có thể bán mọi đồ mình tự làm với Amazon Handmade. Amazon Handmade chỉ cho phép kinh doanh các sản phẩm thủ công không qua sản xuất có quy mô. Vì vậy, đây là lựa chọn lý tưởng cho những nhà bán hàng cá nhân hay thợ thủ công nhỏ lẻ.
Bạn có thể đăng tải sản phẩm miễn phí lên website và chỉ phải trả phí cho Amazon khi có đơn hàng. Với mỗi sản phẩm bán được qua Amazon Handmade, bạn sẽ phải trích 12% phí hoa hồng cho nền tảng.
Ưu điểm: Mức độ cạnh tranh trên Amazon Handmade không cao như Amazon thông thường nên người bán không cần những chiến thuật marketing quá phức tạp. Một điểm đặc biệt nữa là thứ hạng sản phẩm không được hiển thị trên Amazon Handmade, vậy nên đừng quá lo lắng nếu bạn có vài review không quá tích cực!
Nhược điểm: Amazon Handmade yêu cầu sản phẩm phải thực sự được làm thủ công bằng tay và đạt chất lượng cao. Điều này có thể là thách thức đối với những người mới bắt đầu hoặc không có kỹ năng thủ công tốt.
5. Kinh doanh sản phẩm, nội dung gốc
Nếu bạn là một nhà sản xuất âm nhạc muốn bán các sản phẩm như CD, MP3, DVD,… hoặc một người có kiến thức chuyên môn muốn bán khóa học online thì Amazon là nền tảng tuyệt vời dành cho bạn. Những sản phẩm nội dung gốc (original content) này có thể được bán qua Amazon CreateSpace một cách dễ dàng. Tiền bản quyền sẽ được thanh toán ngay sau khi đơn hàng được hoàn tất.
Ưu điểm: Hình thức kinh doanh này gần như không đòi hỏi vốn ban đầu vì bạn có thể bán các tệp kỹ thuật số để khách hàng tải về. Với các sản phẩm số, bạn cũng loại bỏ được khâu vận chuyển vật lý thông thường và không mất các chi phí liên quan.
Nhược điểm: Bạn sẽ cần có kiến thức chuyên môn hoặc sự khác biệt và kỹ năng tạo ra nội dung chất lượng để có thể cạnh tranh với nhiều nhà sản xuất nội dung khác. Bạn cũng cần lưu ý tuân thủ các nội quy về nội dung và các yêu cầu kỹ thuật.
Câu chuyện thành công của các nhà bán hàng trên Amazon không cần vốn
Bán hàng trên Amazon thường bị lầm tưởng là một cách kinh doanh chỉ phù hợp với các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, nhiều cá nhân và doanh nghiệp nhỏ đã chứng minh rằng, với sự sáng tạo và kiên trì, họ có thể khởi nghiệp và thành công trên Amazon mà không cần vốn đầu tư khủng. Dưới đây là những câu chuyện khởi nghiệp thành công tiêu biểu của các nhà bán hàng Amazon.
#1 HMG Popup Paper
Năm 2011, HMG Popup Paper khởi nguồn tại một căn nhà nhỏ, nơi hàng trăm bản thảo thiệp được gia đình chị Phùng Minh Thủy cùng nhau cắt ghép và thử nghiệm. Đến năm 2014, HMG Popup Paper bắt đầu đưa thiệp nổi Made-in-Vietnam ra nước ngoài qua những đơn hàng sỉ.
Chị Thủy đã bén duyên với thương mại điện tử xuyên biên giới qua Amazon trong khi tìm kiếm kênh kinh doanh và xuất khẩu chủ động. “Khi ấy, đội ngũ chưa có nhiều kinh nghiệm, chúng tôi được nhân sự Amazon hỗ trợ để lấy hàng, đóng gói, vận chuyển hàng đến tay người mua nhanh chóng. Doanh nghiệp bán lẻ như HMG không phải hoạt động đơn lẻ mà được nền tảng hỗ trợ tối ưu, chuyên nghiệp”, chị Thủy chia sẻ.
HMG Popup Paper đã trải qua hành trình từ những ngày vất vả dọn thiệp để tránh mưa tại chợ đêm phố cổ đến khi đạt được hàng ngàn đơn đặt hàng online mỗi ngày vào các dịp lễ lớn. Họ đã không chỉ tạo nên thành công thương mại mà còn đem lại thu nhập ổn định cho hàng trăm nhân sự, thành công với các sản phẩm thiệp 3D “made in Vietnam” trên Amazon.
#2 Andre Gift Shop
Andre Gift Shop đã có một hành trình ấn tượng từ một căn phòng nhỏ với 4 nhân viên cho đến xưởng sản xuất 300m2 và 35 nhân sự. Đồng sáng lập của Andre Gift Shop – chị Nguyễn Xuân Chiêu Hân, cho biết: “Nước ngoài là thị trường tiềm năng của sản phẩm thủ công “made in Vietnam” nên Andre Gift Shop đã tập trung mở rộng bán hàng trên Amazon thay vì các trang TMĐT trong nước”. Bắt đầu từ những ý tưởng đơn giản, thương hiệu đã tạo nên sự khác biệt nhờ tập trung vào chất lượng, tính thẩm mỹ và sự độc đáo của sản phẩm.
Bên cạnh đó, dịch vụ FBA (Fulfillment by Amazon) đã giúp Andre Gift Shop đơn giản hoá rất nhiều khâu trong việc bán hàng. Thay vì phải tự mình quản lý kho hàng, đóng gói, vận chuyển, xử lý thanh toán và chăm sóc khách hàng, FBA lo hết tất cả các công đoạn đó. Chị Chiêu Hân chia sẻ rằng nhờ FBA, cửa hàng chỉ cần tập trung vào việc phát triển sản phẩm tốt nhất.
#3 Click & Carry
Khác với văn hóa đi chợ tươi hàng ngày ở Việt Nam, cư dân các quốc gia châu Âu và Mỹ thường mua sắm với tần suất thưa hơn. Vì vậy, mỗi lần đi siêu thị họ thường mua sắm rất nhiều để phục vụ cho nhu cầu của vài ngày hoặc tuần. Việc di chuyển đồ đạc từ xe vào trong nhà là một “cực hình” sau mỗi lần mua sắm như vậy.
Hiểu được điều đó, hành trình của Kim Meckwood, người sáng lập Click & Carry, bắt đầu với một ý tưởng đơn giản nhưng sáng tạo về một thiết bị hỗ trợ mang hàng hóa. Ban đầu, cô đã phát triển nhiều nguyên mẫu bằng việc in 3D với sự giúp đỡ của một sinh viên thiết kế sản phẩm. Vì không có nguồn vốn đáng kể, Kim đã thử nghiệm các nguyên mẫu của mình tại các khu chợ trời và thu thập phản hồi để dần hoàn thiện sản phẩm.
Sự kiên trì của Kim đã được đền đáp khi cô ra mắt Click & Carry trên Amazon và sau đó được xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình, bao gồm “Shark Tank”. Sự tập trung vào việc khác biệt hóa và hiểu rõ thị trường mục tiêu đã giúp Kim xây dựng thương hiệu của riêng mình và phát triển kinh doanh một cách đáng kể.
Lời kết
Từ xuất bản sách điện tử, dropshipping, in theo yêu cầu, bán hàng handmade đến kinh doanh sản phẩm nội dung gốc, có rất nhiều cách để những người mới bắt đầu bán hàng trên Amazon mà không cần vốn. Hành trình kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới tuy không dễ, nhưng với sự kiên trì và liên tục tối ưu hoạt động bán hàng, bạn hoàn toàn có thể đạt được thành công. Hãy bắt đầu hành trình kinh doanh của bạn ngay hôm nay!