Mega Digital Logo
TikTok
TikTok
BLOG

Bán hàng trên Amazon có hiệu quả không: Ưu & Nhược điểm

Với quy mô toàn cầu và lượng truy cập khổng lồ, Amazon mang lại cơ hội tuyệt vời cho các nhà bán hàng có mong muốn mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng mới. Tuy nhiên, việc bán hàng trên Amazon cũng đồng thời đặt ra không ít thách thức. Bài viết này sẽ phân tích kỹ lưỡng ưu nhược điểm của Amazon để bạn có được chiến lược phù hợp khi mang sản phẩm của mình ra thị trường toàn cầu.

Ưu điểm của Amazon

Amazon mang lại nhiều lợi thế đáng kể cho nhà bán hàng, giúp họ khai thác tối đa tiềm năng kinh doanh của mình. Từ khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu đến hệ thống hỗ trợ toàn diện, Amazon không chỉ là một nền tảng thương mại điện tử, mà còn là một công cụ mạnh mẽ giúp doanh nghiệp tạo nên bước đột phá khi kinh doanh ở thị trường toàn cầu. Để xác định liệu bán hàng trên Amazon có hiệu quả không, trước tiên cùng điểm qua một vài lợi ích khi kinh doanh trên nền tảng này.

Tiềm năng doanh thu lớn

Tiềm năng của việc bán hàng trên Amazon thể hiện qua những con số biết nói. Mỗi tháng, có hơn 300 triệu khách hàng truy cập Amazon để tìm kiếm và mua sắm các sản phẩm. Năm 2023, Amazon đã đạt được doanh thu hơn 574 tỷ đô la và có hơn 200 triệu thành viên Prime trên toàn cầu.

Doanh thu ròng hàng năm của Amazon từ năm 2004 đến năm 2023 (tỷ đô la Mỹ)

Riêng đối với các nhà bán hàng Việt, giai đoạn 2022-2023 đã chứng kiến sự đột phá của việc kinh doanh trên Amazon. Báo cáo hoạt động của Amazon Global Selling tiết lộ, các đối tác bán hàng Việt Nam đã bán được hơn 17 triệu sản phẩm vào năm 2023, tăng hơn 50% về trị giá so với năm trước đó. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon tiếp tục tăng mạnh, bao gồm đa dạng nhà bán hàng, từ các công ty lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho thấy tiềm năng mạnh mẽ của Việt Nam trong mảng thương mại điện tử xuyên biên giới.​

Tiềm năng doanh thu lớn trên Amazon cho nhà bán hàng Việt

Khả năng tiếp cận khách hàng toàn cầu

Amazon là một trong những thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, với hơn 300 triệu khách hàng đang hoạt động, trong đó có tới hơn 200 triệu thành viên Amazon Prime.

Sự hiện diện trên Amazon có thể mở rộng đáng kể phạm vi tiếp cận của bạn, đặc biệt là với những khách hàng mà bạn không thể tiếp cận thông qua các kênh bán lẻ truyền thống hoặc các nền tảng thương mại điện tử khác. Sản phẩm của bạn có thể được sử dụng bởi khách hàng ở vô số quốc gia, trong đó các thị trường nổi bật nhất bao gồm Mỹ, Canada, cùng một số nước châu Âu và châu Á khác.

Thị phần bán lẻ của Amazon theo quốc gia (2023)

Rào cản gia nhập thấp

Với các doanh nhân Việt Nam, khởi nghiệp trên Amazon không nhất thiết cần vốn đầu tư lớn, nhất là nếu họ tận dụng các hình thức bán hàng trên Amazon phù hợp, ví dụ như dropshipping. Amazon dropshipping cho phép bạn linh hoạt chọn lựa sản phẩm và thử nghiệm thị trường. Bạn có thể dễ dàng thêm hoặc bớt sản phẩm khỏi danh mục mà không lo về vấn đề tồn kho. Trong lĩnh vực có sự biến động nhanh chóng như thương mại điện tử, xu hướng tiêu dùng có thể thay đổi chỉ trong thời gian ngắn, vì vậy việc theo dõi và cập nhật liên tục các chính sách bán hàng là một điều mà các nhà bán hàng cần làm để đảm bảo có thể bắt kịp “nhịp sống” của nền tảng này.

Amazon Dropshipping

Hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện từ Amazon

Amazon cung cấp rất nhiều công cụ và dịch vụ hỗ trợ người bán, từ hoàn thiện đơn hàng tới chăm sóc khách hàng như Fulfillment by Amazon (FBA). Điều này giúp các nhà bán hàng có thể tập trung vào việc cải tiến sản phẩm và chiến lược kinh doanh mà không phải lo lắng nhiều về việc quản lý hàng tồn kho hay giao hàng, giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng với chất lượng tốt nhất.

Hơn nữa, nhà bán hàng có thể truy cập vào Amazon Brand Analytics nhằm hiểu sâu hơn về hành vi khách hàng, từ đó phân tích hiệu suất và tối ưu hóa chiến lược bán hàng của họ. Ngoài ra, Amazon còn cung cấp kiến thức miễn phí để hỗ trợ người bán trên Seller University và các chương trình giúp nhà bán hàng tăng hiệu quả kinh doanh, ví dụ như Amazon Vine.

Hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện của Amazon

Độ tin cậy và uy tín của thương hiệu

Sự uy tín của Amazon cũng là một lợi thế không nhỏ. Khoảng 89% người mua sắm trực tuyến tại Hoa Kỳ – thị trường tiêu thụ lớn nhất của Amazon – nói rằng họ thích mua sắm trên Amazon hơn bất kỳ trang web thương mại điện tử nào khác, cho thấy sự tin tưởng của người tiêu dùng vào nền tảng này.

Khi liệt kê sản phẩm của mình trên Amazon, mỗi nhà bán lẻ sẽ mặc nhiên có được sự tin cậy và uy tín nhất định. Điều này là bởi nhiều người dùng có xu hướng mua sản phẩm từ Amazon hơn là từ một cửa hàng hay nền tảng mà họ chưa từng nghe đến. Cam kết của Amazon về chất lượng và dịch vụ xuất sắc đã thu hút nhiều khách hàng mua sản phẩm từ trang web của họ. Có thể họ đã có trải nghiệm mua sắm tốt trên Amazon trước đây, vì vậy cửa hàng của bạn cũng sẽ được hưởng lợi từ điều đó.

Amazon là thương hiệu uy tín được người dùng toàn cầu tin cậy

Hệ thống thanh toán và giao dịch an toàn

Khi bạn bán hàng trên Amazon, cả bạn và khách hàng đều được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng mạnh mẽ của Amazon, đảm bảo mọi giao dịch đều an toàn và đáng tin cậy. Dưới đây là lý do tại sao hệ thống thanh toán và giao dịch của Amazon được cho là ưu việt:

  • Thanh toán Amazon: Amazon xử lý toàn bộ giao dịch cho bạn, giúp đơn giản hóa quá trình và đảm bảo bạn nhận được thanh toán một cách an toàn.
  • Bảo đảm A-to-Z: Cung cấp bảo vệ cho khách hàng khi mua từ người bán bên thứ ba, đảm bảo họ nhận được sản phẩm đúng như mô tả hoặc được hoàn tiền.
  • Phòng chống gian lận: Amazon sử dụng các công nghệ tiên tiến để phát hiện và ngăn chặn gian lận, bảo vệ cả người mua lẫn người bán.
  • Chuyển đổi tiền tệ: Đối với người bán quốc tế, Amazon cung cấp dịch vụ chuyển đổi tiền tệ, giúp bạn dễ dàng quản lý thanh toán bằng nhiều loại tiền khác nhau.
  • Giải quyết tranh chấp: Trong những trường hợp hiếm hoi xảy ra tranh chấp, Amazon cung cấp một quy trình giải quyết cấu trúc để hỗ trợ cả hai bên đạt được thỏa thuận.
Hệ thống thanh toán và giao dịch an toàn trên Amazon

Với sự tối ưu của các công cụ thanh toán Amazon, bạn có thể tập trung vào việc phát triển doanh nghiệp của mình mà không phải lo lắng về các vấn đề bảo mật thanh toán.

Quảng cáo hiệu quả

Một trong những lý do hấp dẫn nhất để bán hàng trên Amazon là các công cụ quảng cáo mạnh mẽ mà nền tảng này cung cấp, giúp bạn tăng cường hiển thị sản phẩm và thúc đẩy doanh số. Các công cụ quảng cáo chính mà Amazon cung cấp gồm có:

  • Sản phẩm được tài trợ: Quảng cáo thúc đẩy các danh sách sản phẩm riêng lẻ. Các quảng cáo này xuất hiện trong kết quả tìm kiếm và trên các trang chi tiết sản phẩm.
  • Thương hiệu được tài trợ: Cho phép bạn giới thiệu thương hiệu và một loạt sản phẩm của mình tại đầu kết quả tìm kiếm.
  • Hiển thị được tài trợ: Là các quảng cáo hiển thị xuất hiện cả trên và ngoài Amazon, giúp bạn tiếp cận khách hàng tiềm năng trên khắp các trang web. 
  • Amazon DSP (Amazon Demand-Side Platform): Amazon DSP cho phép bạn tự động mua quảng cáo video và hiển thị cả trên Amazon và các trang web khác. Công cụ này cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu người mua của Amazon, giúp nhắm mục tiêu quảng cáo hiệu quả hơn.
Quảng cáo Amazon

Các tùy chọn quảng cáo của Amazon đặc biệt hiệu quả vì chúng cho phép bạn nhắm mục tiêu đến những khách hàng đang lướt web và mua sắm trên nền tảng, từ đó dễ dàng chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng thật sự.

Hạn chế khi bán hàng trên Amazon

Dù mang lại nhiều cơ hội, bán hàng trên Amazon cũng không thiếu những thách thức. Các nhà bán hàng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng những rào cản và chi phí liên quan trước khi bước chân vào thị trường này. Hiểu rõ các hạn chế này sẽ giúp bạn đưa ra chiến lược phù hợp để tối ưu hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro khi bán hàng trên Amazon.

Cạnh tranh khốc liệt

Sự phổ biến của Amazon cũng kéo theo mức độ cạnh tranh cao từ hàng triệu người bán khác. Các nhà bán hàng Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn khi đối diện với các thương hiệu đã có tên tuổi, đặc biệt là trong những ngành hàng đã bão hòa. Người bán mới thường phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt về giá, dịch vụ khách hàng và chất lượng sản phẩm.

Nếu không có điểm bán hàng độc nhất (USP) mạnh mẽ, người bán Việt Nam có thể gặp khó khăn trong việc trở nên nổi bật trên thị trường đông đúc của Amazon. Điều này có thể làm giảm biên lợi nhuận và đòi hỏi các nhà bán hàng phải liên tục sáng tạo và cải tiến để nổi bật.

Mức độ cạnh tranh khốc liệt trên Amazon

Phí và chi phí liên quan

Bán hàng trên Amazon có hiệu quả không phụ thuộc rất nhiều vào việc người bán có thể cân bằng giữa chi phí và doanh thu hay không. Amazon thu các loại phí khác nhau, bao gồm phí niêm yết, phí giao dịch và phí FBA nếu bạn chọn sử dụng dịch vụ này. Các chi phí này có thể tích tụ và ảnh hưởng đến tổng lợi nhuận, đặc biệt là với các sản phẩm có giá trị thấp.

Bên cạnh đó, mặc dù dịch vụ FBA (Fulfillment by Amazon) có thể giảm bớt một số thách thức về logistics, người bán từ Việt Nam vẫn phải đối mặt với những phức tạp trong việc vận chuyển sản phẩm quốc tế. Chi phí vận chuyển từ Việt Nam đến các trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Amazon tại nước ngoài có thể rất cao và ăn vào lợi nhuận.

>>> Đọc thêm: Bán hàng trên Amazon có mất phí không: Tổng hợp các loại chi phí

Rủi ro tỷ giá hối đoái và thanh toán

Amazon thanh toán cho người bán bằng các loại tiền tệ địa phương tại nơi mà giao dịch được thực hiện, điều này có thể dẫn đến rủi ro nhất định về tỷ giá hối đoái. Ví dụ, nếu bạn bán hàng ở thị trường Mỹ thì bạn sẽ nhận về đô la Mỹ (USD). Đối với người bán Việt Nam, biến động tỷ giá giữa đồng Việt Nam (VND) và các đồng tiền khác như đô la Mỹ (USD) hoặc euro (EUR) có thể làm giảm lợi nhuận nếu số tiền quy đổi bạn nhận về thấp hơn.

Rủi ro về tỷ giá hối đoái và thanh toán

Rủi ro về vi phạm chính sách và bị đình chỉ tài khoản bán hàng

Amazon có các chính sách bán hàng và yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt. Nếu không tuân thủ, tài khoản của bạn có thể bị đình chỉ hoặc phải chịu các hình phạt khác, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của bạn.

Khi bán hàng trên Amazon, nhà bán hàng luôn có nguy cơ bị đình chỉ tài khoản bán hàng nếu có báo cáo rằng chất lượng sản phẩm không đúng như mô tả hay thông tin sai sự thật. Ngoài ra, có nhiều đối thủ “chơi xấu” bằng cách báo cáo sai sự thật hoặc mua hàng để tạo đánh giá tiêu cực nhằm loại bớt sự cạnh tranh. Doanh nghiệp luôn có thể kháng cáo nhưng quyết định khôi phục tài khoản hay không hoàn toàn nằm ở phía Amazon.

Rủi ro tài khoản bán hàng Amazon bị đình chỉ

Rủi ro người bán bị đình chỉ tài khoản thường khá cao và quá trình kháng cáo có thể phức tạp. Có nhiều trường hợp người bán không thể tự kháng cáo thành công. Vì vậy, một giải pháp an toàn cho các nhà bán hàng là hợp tác với một agency chuyên về hỗ trợ kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới. Mega Digital – đối tác chính thức của Amazon – là một trong những agency giàu kinh nghiệm thực chiến có thể giúp bạn xử lý nhanh chóng bất cứ khi nào có vấn đề phát sinh trong quá trình bán hàng.

Có nên bán hàng trên Amazon không?

Quyết định bán hàng trên Amazon phụ thuộc vào mục tiêu, nguồn lực, và khả năng thích ứng của bạn. Nếu có sản phẩm độc đáo và sẵn sàng đầu tư vào marketing cùng tối ưu hóa quy trình, Amazon có thể là cơ hội lớn để mở rộng doanh nghiệp.

Để trả lời cho câu hỏi bán hàng trên Amazon có hiệu quả không, hãy cùng nhìn vào một ví dụ thực tế. Trong vô số những nhà bán hàng đã thành công trên Amazon, Beefurni, một thương hiệu nội ngoại thất gỗ Việt Nam, là doanh nghiệp đã “vượt ngàn chông gai”. Xuất phát từ một nhà sản xuất, Beefurni có kinh nghiệm dày dặn trong gia công đồ gỗ cho khách hàng quốc tế. Tuy nhiên, dù sản phẩm bán chạy, họ vẫn chưa xây dựng được giá trị thương hiệu và phải phụ thuộc vào đối tác bán sỉ để tiếp cận thị trường và người tiêu dùng.

Beefurni

Để kinh doanh thành công trên Amazon, Beefurni đã áp dụng những chiến lược khôn ngoan:

  1. Về sản phẩm, sau khi nghiên cứu thói quen mua sắm của khách hàng trên Amazon và hiểu cách thức thương mại điện tử xuyên biên giới, Beefurni đã chọn các sản phẩm gỗ gia đình nhỏ gọn, dễ đóng gói và vận chuyển, như thớt gỗ, giá kệ gỗ, bàn ghế gỗ gấp gọn, và vỉ gỗ lót sàn ngoài trời để kinh doanh trên Amazon. 
  2. Về giá trị độc nhất, để cạnh tranh với các thương hiệu lớn khác, Beefurni xác định “Bring the true values” – mang đến giá trị thực cho khách hàng làm kim chỉ nam.
  3. Beefurni đã đăng ký thương hiệu trên Amazon để bảo vệ quyền sở hữu thương hiệu, xây dựng lòng tin và sự gắn bó của khách hàng đối với thương hiệu Beefurni.
  4. Doanh nghiệp cũng chú trọng đầu tư hình ảnh, sản xuất các video minh họa tính năng, lợi ích và cách thức sử dụng tối ưu sản phẩm.
  5. Tận dụng các giải pháp quảng cáo trên Amazon giúp tăng sự hiện diện của thương hiệu và thu hút sự chú ý của khách hàng, từ đó tăng tỉ lệ chuyển đổi từ khách xem thành khách mua hàng.

Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm sự kiểm soát cao đối với thương hiệu và trải nghiệm khách hàng, hoặc nếu biên lợi nhuận của bạn không cho phép chịu thêm chi phí từ phí Amazon, bạn có thể cần cân nhắc các lựa chọn khác.

>>> Đọc thêm: 12 kinh nghiệm bán hàng trên Amazon hiệu quả cho nhà bán mới

Lời kết

Bán hàng trên Amazon có thể là một chiến lược tuyệt vời cho những doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường và tận dụng lợi thế của một nền tảng toàn cầu. Tuy nhiên, kinh doanh trên Amazon cũng đòi hỏi sự đầu tư về thời gian và tài chính, cùng với những chiến lược tỉ mỉ để tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu các rủi ro. Cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố ưu nhược điểm trên sẽ giúp bạn xác định liệu bán hàng trên Amazon có hiệu quả không và đây có phải là kênh phù hợp để mở rộng doanh nghiệp của bạn hay không.

Rate this post

Tác giả

Chia sẻ

Có thể bạn quan tâm