Mega Digital Logo
TikTok
TikTok
BLOG

Cách bán hàng trên Amazon: Cẩm nang cho người mới bắt đầu

Bạn đang tìm hiểu làm thế nào để bán hàng trên Amazon và cần một bài hướng dẫn chi tiết và đầy đủ cho người mới bắt đầu? Bài viết này sẽ trang bị cho bạn tất cả thông tin cơ bản và kinh nghiệm cần thiết để khởi đầu hành trình kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Vì sao nên chọn bán hàng trên Amazon?

Bán hàng trên Amazon đang trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Theo báo cáo hoạt động năm 2023 của Amazon Global Selling, các đối tác bán hàng Việt Nam đã bán được hơn 17 triệu sản phẩm trên nền tảng Amazon, tăng hơn 50% về trị giá so với năm trước. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon tiếp tục tăng mạnh, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho thấy tiềm năng lớn của thị trường Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới.​

Sự tăng trưởng của các nhà bán hàng Việt trên Amazon

Nguồn: Báo cáo Hoạt động 2023 Amazon – Trao quyền cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam

Ngoài ra, những doanh nghiệp và tập đoàn lớn, có thâm niên cũng đang dần chuyển dịch và phát triển thêm kinh doanh thương mại điện tử quốc tế. Đáng chú ý có thể kể tới những “ông lớn” như thương hiệu gốm sứ Minh Long, đồ gia dụng Sunhouse, và tập đoàn Masan. Ngoài ra, vô số các doanh nghiệp lớn nhỏ và nhà bán hàng cá nhân cũng đang tham gia ngày một đông đảo vào sân chơi bán hàng qua Amazon.

Vậy, đâu là điểm khiến cho việc bán hàng online trên Amazon trở nên hấp dẫn đến vậy?

Tiếp cận khách hàng toàn cầu

Amazon có mạng lưới khách hàng rộng khắp trên toàn thế giới với hơn 300 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Nền tảng này cho phép sản phẩm của bạn tiếp cận nhiều thị trường quốc tế, từ Mỹ, Canada, đến các nước châu Âu khác và châu Á. 

Tiếp cận khách hàng toàn cầu thông qua bán hàng trên Amazon

Điều này đặc biệt hữu ích cho các doanh nghiệp muốn mở rộng phạm vi kinh doanh và tăng cường nhận diện thương hiệu trên quy mô quốc tế. Các doanh nghiệp nhỏ hay nhà bán hàng cá nhân cũng có thể lựa chọn xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ để tận dụng sự chênh lệch tỷ giá và gia tăng lợi nhuận.

Tiềm năng xuất khẩu cho các nhà bán hàng Việt Nam

Rất nhiều sản phẩm Việt Nam có chi phí đầu tư hợp lý và tính cạnh tranh cao trên Amazon, bao gồm đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ, quần áo, và thực phẩm khô. Ví dụ, các sản phẩm như đồ trang trí, cà phê Việt Nam, và các loại gia vị đang ngày càng được ưa chuộng trên thị trường quốc tế nhờ vào chất lượng tốt và giá cả phải chăng.

Hơn nữa, một số mặt hàng được miễn thuế hoặc chịu mức thuế rất thấp khi nhập khẩu vào các thị trường quốc tế. Chẳng hạn, đối với Mỹ, thuế suất nhập khẩu cho một số mặt hàng mây tre đan là 0%, tương tự với các sản phẩm trà, cà phê và gia vị nhất định. 

Top 5 danh mục sản phẩm bán trên Amazon

Nguồn: Báo cáo Hoạt động 2023 Amazon – Trao quyền cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam

Một ví dụ tiêu biểu cho thương hiệu Việt thành công trên Amazon có thể kể đến nhãn hàng thời trang LAMER. Chỉ trong 9 tháng đầu mở bán trên Amazon, LAMER đã nhận được hơn 2.000 đơn hàng mới. Sau một năm, các sản phẩm chủ đạo đã đặt mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng là 250%. Với năng lực sản xuất hiện tại, LAMER có thể cung cấp tới hơn 300.000 sản phẩm mỗi năm.

Câu chuyện thành công của LAMER trên Amazon

Ưu đãi dành cho các nhà bán hàng mới

Amazon cung cấp nhiều ưu đãi hấp dẫn cho người bán hàng mới, bao gồm các chương trình khuyến mãi, giảm phí dịch vụ và hỗ trợ quảng cáo. Những ưu đãi này giúp người bán hàng mới dễ dàng khởi đầu kinh doanh trên Amazon và giảm thiểu chi phí ban đầu. Ngoài ra, Amazon còn cung cấp các khóa học và tài liệu hướng dẫn miễn phí để giúp người bán hàng nắm bắt các kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Hỗ trợ marketing và quảng cáo

Amazon cung cấp nhiều công cụ marketing và quảng cáo Amazon Ads giúp bạn tiếp cận đúng đối tượng khách hàng và tăng doanh số bán hàng. Các hình thức quảng cáo như Sponsored Products, Sponsored Brands, và Sponsored Display giúp gia tăng độ hiển thị chính xác của sản phẩm, thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng và thúc đẩy doanh số.

Tăng độ tin cậy và uy tín

Bán hàng trên Amazon giúp tăng độ tin cậy và uy tín cho sản phẩm và thương hiệu của bạn. Amazon có các chính sách kiểm duyệt và đánh giá nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Khi khách hàng thấy sản phẩm của bạn trên Amazon, họ có xu hướng tin tưởng hơn và dễ dàng quyết định mua hàng hơn.

Các phương thức bán hàng trên Amazon

Amazon cung cấp hai phương thức chính để nhà bán hàng lựa chọn, phù hợp nhu cầu và khả năng của họ.

FBA (Hoàn tất đơn hàng bởi Amazon) 

Các phương thức bán hàng trên Amazon

FBA là phương thức bán hàng trong đó người bán gửi sản phẩm của họ đến kho hàng của Amazon. Amazon sẽ chịu trách nhiệm lưu trữ, đóng gói, vận chuyển và chăm sóc khách hàng cho các sản phẩm này.

Lợi ích: Sản phẩm của bạn đủ điều kiện cho Amazon Prime, dịch vụ khách hàng và chính sách hoàn trả được Amazon quản lý, giảm bớt khối lượng công việc cho người bán.

Chi phí: Người bán phải trả phí lưu trữ và phí hoàn thiện đơn hàng cho Amazon.

FBM (Hoàn tất đơn hàng bởi người bán)

Với FBM, người bán tự thực hiện toàn bộ các quá trình lưu trữ, đóng gói, vận chuyển và chăm sóc khách hàng cho sản phẩm của họ.

Lợi ích: Người bán có thể kiểm soát toàn bộ quy trình hoàn thiện đơn hàng và có thể tiết kiệm chi phí nếu họ có hệ thống vận chuyển hiệu quả.

Thách thức: Người bán phải tự mình quản lý kho hàng, đóng gói, vận chuyển và chăm sóc khách hàng, điều này có thể tốn nhiều thời gian và công sức hơn.

Chi phí bán hàng trên Amazon

Khi bán hàng trên Amazon, bạn sẽ phải chịu một số chi phí như phí đăng ký (0,99 USD cho mỗi sản phẩm bán được với gói cá nhân, 39,99 USD mỗi tháng với gói chuyên nghiệp), phí giới thiệu (thường từ 6% đến 15% giá bán), và phí hoàn thành đơn hàng nếu sử dụng dịch vụ FBA. Ngoài ra, còn có phí lưu trữ hàng tồn kho, phí trả lại hàng, và chi phí quảng cáo để tăng khả năng hiển thị sản phẩm. Để biết chi tiết cụ thể, bạn có thể tham khảo thêm tại Amazon Seller Central.

Các mô hình kinh doanh chính trên Amazon

Có rất nhiều cách bán hàng trên Amazon, trong đó, các mô hình kinh doanh chính gồm:

Các mô hình kinh doanh chính trên Amazon

Thương hiệu cá nhân

Private label, hay thương hiệu cá nhân, là mô hình kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu của riêng bạn. Ví dụ, Lafooco là thương hiệu hạt điều và các sản phẩm từ hạt điều của Việt Nam, được bán trên Amazon và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ khách hàng quốc tế. Sản phẩm của Lafooco, như hạt điều rang muối và hạt điều sấy khô, giúp thương hiệu này mở rộng thị trường và nâng cao nhận diện toàn cầu.

Bán chênh lệch giá

Bán buôn (wholesale) là việc mua sản phẩm với số lượng lớn, giá thành hợp lý từ một thương hiệu hoặc nhà phân phối và bán lại với giá cao hơn trên Amazon. Mô hình này thường yêu cầu vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn.

Bán lẻ chênh lệch giá (retail arbitrage) là việc trực tiếp mua các sản phẩm giá rẻ hoặc sản phẩm được giảm giá từ các nhà bán lẻ khác, sau đó bán lại chúng trên Amazon.

Trong mô hình kinh doanh chênh lệch giá trực tuyến (online arbitrage), nhà bán hàng mua các sản phẩm giá thấp hoặc giảm giá từ các nhà bán lẻ trực tuyến và bán lại chúng trên Amazon.

Dropshipping

Với dropshipping, người bán không cần giữ hàng tồn kho mà chỉ cần chuyển đơn đặt hàng của khách hàng đến nhà cung cấp. Nhà cung cấp sẽ vận chuyển hàng hóa trực tiếp đến khách hàng mà không cần bạn tham gia vào quá trình này.

Merch by Amazon

Merch by Amazon là dịch vụ cho phép người bán thiết kế các loại áo (áo phông, hoodie, v.v), ốp điện thoại, pop socket, túi tote, gối, và bán chúng trên Amazon. Amazon sẽ lo toàn bộ quá trình sản xuất, vận chuyển và dịch vụ khách hàng.

Quy định về sản phẩm buôn bán trên Amazon

Khi bán hàng trên Amazon, bạn cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng, cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ. Đồng thời, bạn phải tuân thủ quy định về các sản phẩm bị hạn chế hoặc cấm, bao gồm hàng giả, vi phạm bản quyền, vũ khí, chất nổ, hóa chất nguy hiểm và những sản phẩm có nội dung không phù hợp như khiêu dâm hoặc kích động bạo lực.

Việc tuân thủ những quy định này giúp bạn tránh bị phạt và xây dựng uy tín với khách hàng. Bạn có thể tham khảo chi tiết hơn danh mục sản phẩm tại đây.

Quy định về sản phẩm buôn bán trên Amazon

Ngoài những sản phẩm không được phép kinh doanh trên nền tảng Amazon nói chung, nhà bán hàng cần đặc biệt lưu ý rằng mỗi quốc gia sẽ có những mặt hàng cấm nhập khẩu. Bên cạnh đó, mỗi thị trường sẽ có những mặt hàng không được phép bán trên Amazon riêng biệt. Vì vậy, việc nghiên cứu sản phẩm và thị trường kỹ trước khi bán hàng là hết sức quan trọng. 

Điều kiện để bán hàng qua Amazon

Trước khi bắt đầu kinh doanh, bạn cần hành trang cho bản thân những kiến thức và kỹ năng thiết yếu để “chinh chiến” trên hành trình bán hàng qua Amazon. Bên cạnh đó, nhà bán hàng phải đáp ứng một số điều kiện và tuân thủ các quy định bắt buộc của nền tảng. Để bắt đầu bán hàng trên Amazon, bạn cần đảm bảo những điều kiện cần thiết sau:

Điều kiện để bán hàng qua Amazon

Có tài khoản Amazon Seller

Bạn cần có tài khoản Amazon Seller để bán hàng trên Amazon. Có hai loại tài khoản để bạn lựa chọn: “Individual” (Cá nhân) và “Professional” (Chuyên nghiệp). Với tài khoản chuyên nghiệp, bạn sẽ được hưởng nhiều tính năng và quyền hạn hơn.

Có mã Barcode GTIN

Để hàng hóa của bạn được lưu hành quốc tế, bạn phải có mã Barcode GTIN (Global Trade Item Number). GTIN được sử dụng để tìm thông tin sản phẩm từ cơ sở dữ liệu thông qua việc quét mã.

Giấy tờ và thông tin kinh doanh

Bạn sẽ cần cung cấp thông tin về doanh nghiệp và các giấy tờ liên quan như giấy phép kinh doanh, thông tin tài chính, thông tin liên lạc, v.v.

Phí và hoa hồng

Bạn sẽ phải chịu các chi phí liên quan đến việc bán hàng trên Amazon, bao gồm phí đăng ký tài khoản, phí giao dịch, phí quảng cáo (nếu có), và hoa hồng dựa trên doanh số bán hàng.

Cách bán hàng trên Amazon cho người mới bắt đầu

Bắt đầu kinh doanh trực tuyến trên Amazon có thể mở ra nhiều cơ hội mới cho bạn. Với hướng dẫn chi tiết dưới đây, bạn có thể dễ dàng tạo tài khoản, tạo gian hàng và bắt đầu bán sản phẩm của mình.

Bước 1: Đăng ký tài khoản bán hàng trên Amazon

Để đăng ký tài khoản bán hàng trên Amazon, bạn hãy làm theo các bước sau:

Truy cập trang web https://sell.amazon.vn/ và nhấn vào nút “Đăng ký bán hàng” để bắt đầu.

Trang chủ đăng ký tài khoản bán hàng trên Amazon

Điền các thông tin đăng ký:

  • “Your name”: Nhập tên của bạn.
  • “Email”: Nhập địa chỉ email bạn muốn dùng để đăng ký tài khoản.
  • “Password”: Nhập mật khẩu bạn muốn sử dụng để đăng nhập (tối thiểu 6 ký tự).
  • “Re-enter password”: Nhập lại mật khẩu để xác nhận.

Sau khi hoàn thành, hãy nhấn nút “Next” để tiếp tục.

Điền các thông tin đăng ký tài khoản bán hàng Amazon

Kiểm tra email để lấy mã OTP xác thực.

Kiểm tra email để lấy mã OTP xác thực đăng ký tài khoản Amazon

Nếu bạn không có lợi thế về tiếng Anh, bạn có thể lựa chọn ngôn ngữ là tiếng Việt để dễ thao tác hơn.

Lựa chọn ngôn ngữ mong muốn

Hoàn thiện thông tin, bao gồm 4 mục thông tin:

  • Thông tin Kinh doanh
  • Thông tin Bán hàng
  • Thông tin Thanh toán
  • Thông tin Gian hàng

Để xác minh danh tính lần 1 (SIV), bạn cần chuẩn bị 2 loại giấy tờ tùy thân:

Giấy tờ cần thiết để xác minh danh tính lần 1 (SIV)

Chọn menu “Cài đặt” > “Thông tin tài khoản” > “Thông tin doanh nghiệp” > Chọn mục “Địa chỉ doanh nghiệp” và “Pháp nhân” để xem tên và địa chỉ đã đăng ký.

Bạn có thể điền thêm thông tin địa chỉ mới trong Business Address (Địa chỉ doanh nghiệp). Bạn được điền tối đa được thêm 5 địa chỉ.

Kiểm tra và bổ sung thông tin

Một số người bán sẽ được yêu cầu xác minh danh tính lần 2 (SPR). Nếu nhận được thông báo này trên Seller Central, bạn hãy chuẩn bị 2 loại giấy tờ:

Giấy tờ cần thiết để xác minh danh tính lần 2 (SPR)

Sau khi xác minh danh tính, bạn sẽ nhận được thông báo phỏng vấn thông tin thuế trên Seller Central. Nếu không thực hiện bước này, khách hàng sẽ không thể tìm thấy các sản phẩm của bạn.

>>>> Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn đăng ký bán hàng trên Amazon đơn giản & chi tiết

Bước 2: Cài đặt hình thức nhận tiền từ Amazon

Trước khi cập nhật tài khoản nhận tiền, bạn cần liên hệ với bộ phận Hỗ trợ người bán (SPS).

Tại trang Seller Central, nhấn “Trợ giúp” góc bên phải phía trên màn hình > Thông báo về việc thay đổi tài khoản trong mục “Mô tả vấn đề” bằng tiếng Việt > Nhấn nút “Tiếp tục”.

Liên hệ với bộ phận Hỗ trợ người bán của Amazon trước khi cài đặt nhận tiền

Sau đó, bạn có thể tiến hành cài đặt phương thức nhận tiền.

Cài đặt hình thức nhận tiền từ Amazon

Bước 3: Thiết lập gian hàng

Bạn có thể sử dụng mẫu gian hàng có sẵn, hoặc thuê người thiết kế gian hàng riêng. Tham khảo các cửa hàng đối thủ cũng là một chiến lược để bạn tạo gian hàng thu hút.

Thiết lập gian hàng Amazon

Bước 4: Liệt kê sản phẩm (tạo listing) trên Amazon

Khi listing sản phẩm lên Amazon, hãy đăng các thông tin chi tiết về sản phẩm đó. Bạn cần thêm tên sản phẩm, chủng loại, hình ảnh, mô tả, giá cả, v.v. Bạn nên sử dụng các từ khóa phù hợp để tối ưu hóa khả năng tìm kiếm.

Liệt kê sản phẩm (tạo listing) trên Amazon

Các hình thức nhận tiền từ Amazon

Thông thường, sau khi xác nhận đơn hàng đã được vận chuyển, Amazon sẽ chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của bạn. Amazon thực hiện việc chi trả này mỗi hai tuần một lần. Hiện tại, nhà bán hàng có thể nhận tiền từ Amazon thông qua các phương thức sau:

Thông qua các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán

Đây là phương thức phổ biến nhất để nhận tiền về Việt Nam. Payoneer, LianLian và Pingpong là các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế uy tín. Khi bạn gửi yêu cầu rút tiền, Amazon sẽ chuyển tiền vào tài khoản quốc tế của bạn. Bạn có thể rút tiền tại các máy ATM hoặc ngân hàng ở Việt Nam.

Nhận tiền từ Amazon thông qua các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán

Quy đổi tiền sang Amazon Gift Card

Tiền trong tài khoản của bạn có thể được chuyển thành phiếu quà tặng Amazon (Amazon Gift Card). Bạn có thể sử dụng phiếu này để mua sắm trên Amazon. Tuy nhiên, phương thức này không phù hợp nếu bạn muốn rút tiền về Việt Nam để tái đầu tư.

Quy đổi tiền sang Amazon Gift Card

Nhận phiếu séc

Amazon cung cấp tùy chọn gửi séc qua đường bưu điện khi bạn yêu cầu rút tiền. Phương pháp này không phổ biến do tỷ lệ thất lạc cao và thời gian nhận tiền kéo dài.

Bí kíp bán hàng hiệu quả trên Amazon

Các nhà bán hàng trên Amazon, đặc biệt là người mới bắt đầu, thường gặp những khó khăn nhất định để có quy trình hiệu quả.

1. Chọn sản phẩm và kiểm tra tính hợp lệ

Bạn cần đảm bảo sản phẩm của bạn thuộc danh mục hợp lệ, tuân thủ các quy định của Amazon.

Cách 1: Truy cập vào danh sách sản phẩm bị hạn chế, bị cấm

Người bán có thể tham khảo danh sách các sản phẩm bị hạn chế và sản phẩm bị cấm trên Amazon để nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định sẽ bán mặt hàng gì.

Cách 2: Tìm kiếm sản phẩm cụ thể

Ngoài ra, bạn có thể tìm kiếm những sản phẩm đã có trên Amazon tương tự sản phẩm bạn muốn bán để kiểm tra các yêu cầu đối với việc kinh doanh sản phẩm đó. Bạn có thể dễ dàng thao tác theo các bước sau:

kiểm tra sản phẩm hợp lệ bước 1

Truy cập vào Amazon Seller Central. Ở mục Inventory, chọn Add a product.

kiểm tra sản phẩm hợp lệ bước 2

Tìm kiếm sản phẩm tương tự sản phẩm bạn muốn bán.

kiểm tra sản phẩm hợp lệ bước 3

Bấm vào show limitations để xem những quy định khi muốn đăng bán sản phẩm.

kiểm tra sản phẩm hợp lệ bước 4

Những sản phẩm bị hạn chế phải được chấp thuận để được bán trên Amazon.

2. Tối ưu hóa listing sản phẩm

Tối ưu hóa listing sản phẩm sẽ giúp tăng khả năng hiển thị và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Những yếu tố này sẽ góp phần giúp bạn đạt mục tiêu tăng doanh số.

Tối ưu hóa listing sản phẩm Amazon

Dưới đây là một số cách bạn có thể tạo ra listing sản phẩm hiệu quả nhất:

  • Nghiên cứu từ khóa: Sử dụng các công cụ như Helium 10, Jungle Scout và Sonar để xác định từ khóa khách hàng sử dụng. Đưa từ khóa chính vào tiêu đề, điểm bullet, mô tả và phần backend.
  • Tối ưu tiêu đề: Tiêu đề sản phẩm nên súc tích, mô tả rõ các tính năng và lợi ích. Hãy tích hợp từ khóa quan trọng một cách tự nhiên, đảm bảo tiêu đề không quá 200 ký tự.
  • Sử dụng hình ảnh chất lượng cao: Dùng hình ảnh chuyên nghiệp, sắc nét, đáp ứng yêu cầu của Amazon. Thông thường, nền trắng được dùng cho hình ảnh chính, hiển thị sản phẩm từ nhiều góc độ.
  • Sử dụng nội dung A+: Nếu bạn đã đăng ký thương hiệu, hãy sử dụng nội dung A+ với hình ảnh chất lượng cao. Các chi tiết như biểu đồ, video và mục hỏi đáp sẽ khiến mô tả sản phẩm hấp dẫn hơn.

3. Tuân thủ “luật chơi” của Amazon

Mỗi bước đi đều ảnh hưởng đến quá trình bán hàng và khả năng thành công. Vì vậy, nhà bán hàng cần nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định và luật lệ của Amazon. Nếu bạn làm sai những chính sách, bạn sẽ phải chịu nguy cơ phát sinh thêm nhiều chi phí. Bên cạnh đó, bạn sẽ mất mất thời gian, công sức xử lý những vấn đề kèm theo.

4. Sử dụng quảng cáo Amazon

Quảng cáo Amazon (Amazon Ads) cung cấp nhiều giải pháp để giúp bạn quảng bá sản phẩm. Đây là phương pháp hiệu quả để tăng cường khả năng hiển thị và thúc đẩy doanh số bán hàng.

Amazon Ads

Quảng cáo Amazon mang lại nhiều lợi ích cho nhà bán hàng. Cụ thể, độ hiển thị và doanh số sẽ tăng nhờ nhắm mục tiêu chính xác, dẫn đến tỷ lệ chuyển đổi cao hơn. Mô hình PPC của Amazon cho phép bạn hoàn toàn kiểm soát ngân sách. Bạn chỉ phải trả tiền khi có người nhấp vào quảng cáo, và có thể điều chỉnh chiến dịch theo hiệu suất. Ngoài ra, công cụ phân tích của Amazon cũng giúp theo dõi và tối ưu hóa hiệu quả quảng cáo.

Lời kết

Bán hàng trên Amazon mang lại nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Bằng cách nắm vững các quy trình và kỹ năng cần thiết, bạn có thể khai thác tối đa tiềm năng của nền tảng này. Chúc bạn thành công chinh phục hành trình kinh doanh trên Amazon!

5/5 - (1 bình chọn)

Tác giả

Chia sẻ

Có thể bạn quan tâm